Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh bị rỉ dịch, chân rốn sưng đỏ mau lành

Mình thấy có nhiều mẹ hỏi về việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh, xử lý thế nào khi rốn trẻ bị rỉ dịch. Rốn là vùng rất nhạy cảm nên mẹ cần biết cách xử lý.

Mẹ N.M: "Bé nhà mình sinh được 13 ngày rồi nhưng chưa rụng rốn, mới đây tắm và vệ sinh rốn cho bé mình thấy rốn có dấu hiệu rụng nhưng còn hơi ươn ướt, lo quá không biết con có bị nhiễm trùng rốn không mọi người?"

Nick anchohet: “Con mình được 10 ngày tuổi rồi, rốn vẫn chưa có dấu hiệu khô và rụng, lo quá mọi người ơi. Trộm vía con vẫn ăn khỏe, ngủ khỏe, bú khỏe”.

Mẹ bé Sushi: “Mẹ nào có con như con em không, những 20 ngày rồi mà vẫn chưa rụng rốn í ạ, em nghe người lớn trong nhà bảo trẻ rụng rốn muộn thường lỳ lắm, nhưng lỳ em không lo mà lo con bị làm sao í ạ. Hằng ngày em vẫn vệ sinh rốn cho con rất kỹ ạ”.

Mình đã có 2 con, nên cũng có chút ít kinh nghiệm trong việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh. Hơn nữa, con mình cũng từng rơi vào trường hợp rốn bị rỉ dịch nhưng ít thôi, khi chưa rụng, ngoài việc đưa con đi bác sĩ mình cũng nghiên cứu rất kỹ vấn đề này nên cũng có chút ít kinh nghiệm chia sẻ với các mẹ mới sinh con đầu lòng

Thông thường rốn trẻ sơ sinh sẽ rụng sau sinh 2 tuần, tuy nhiên cũng có trẻ rụng sớm trong vòng một tuần hoặc lâu hơn từ 20 – 25 ngày.



Cuống rốn được xem là một vết thương hở. Đây chính là “cửa ngõ” để các vi khuẩn và vi trùng tìm cách xâm nhập vào cơ thể non nớt của trẻ. Nếu không vệ sinh, chăm sóc rốn trẻ sơ sinh kỹ có thể dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng máu, khiến trẻ phải đối diện với nguy cơ tử vong cao nếu không kịp xử lý. Thông thường, những bệnh nhiễm trùng rốn thường do vệ sinh kém, hoặc có những trường hợp trẻ bị uốn ván rốn do mẹ không tiêm phòng uốn ván khi mang thai…

Theo đó, nếu trẻ chưa rụng rốn nhưng vẫn bú - ăn - ngủ bình thường mẹ không nên quá lo, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu sau nên đưa đi khám ngay:

- Rốn và vùng da xung quanh rốn sưng đỏ;
- Rốn rỉ dịch, có mủ, có mùi hôi trước và sau khi rụng;
- Trẻ bú kém, sốt, ngủ li bì, hạ thân nhiệt;

Cách vệ sinh, chăm sóc rốn trẻ sơ sinh khi bị chảy dịch (chỉ áp dụng với trường hợp rốn trẻ mới rỉ dịch ươn ướt và bé vẫn ăn khỏe, ngủ khỏe nha các mẹ, còn nặng hơn như các biểu hiện mình nói trên thì phải mang con đi bác sĩ ngay á).

Dụng cụ vệ sinh:

- Dung dịch sát trùng: alcohol 70 0 hoặc Povidone Iodine 2-3 %
- Bông gòn viên hoặc que gòn vô trùng

Cách vệ sinh:

Lưu ý trước khi vệ sinh rốn cho trẻ mẹ cần rửa tay với xà phòng sạch sẽ nhé. Kỹ hơn mẹ có thể mang khẩu trang y tế khi thao tác. Và nhớ, vệ sinh rốn khi vừa tắm cho trẻ xong. Tuần tự các bước làm như sau:

- Dùng gòn vô trùng chấm vào dung dịch và nhẹ nhàng lau sạch vùng quanh rốn và chân rốn trẻ, kẹp rốn và mặt cắt của rốn. Lưu ý, nếu muốn bôi lại các vị trí trên mẹ cần thay một miếng gòn khác cho vệ sinh nhé!

- Tuyệt đối không dùng bột hay bắt cứ thức gì rắc, đắp lên rốn trẻ.

- Sau khi rốn khô, không nên dùng băng kín rốn, nên để rốn hở cho mau lành. Đồng thời mẹ cũng không nên mặc quần áo, tã quá chật nhất là vùng quanh rốn.

- Hạn chế sờ, đụng vào rốn trẻ để tránh nhiễm trùng nặng hơn khi tay mẹ không sạch.

- Tránh để rốn bị ướt nước khi tắm, nhiễm bẩn bởi nước tiểu, phân…

- Theo dõi rốn trẻ trong vòng 2 ngày, nếu rốn không sưng, không rỉ dịch nghĩa là rốn đang phục hồi tốt, nếu rốn có dấu hiệu nghiêm trọng như rỉ nhiều dịch, có mùi hôi phải đưa bé đến bệnh viện nhi khám ngay.

Trên là những kinh nghiệm chăm sóc rốn trẻ sơ sinh của mình, chia sẻ cùng các mẹ. Chúc các mẹ và bé yêu luôn khỏe nhé!

0 Comment "Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh bị rỉ dịch, chân rốn sưng đỏ mau lành"

Post a Comment