Mẹ có con bị vàng da chia sẻ kinh nghiệm tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách tránh hiện tượng này

Tắm nắng cho trẻ sơ sinh tưởng khá đơn giản nhưng không hề đơn giản mẹ nhé! Nếu tắm không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ đấy mẹ.

Chị M.L (Q.3) sinh thường bé ở bệnh viện Từ Dũ. Lúc xuất viện về nhà bé khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Sau khi về nhà nửa tháng chị phát hiện bé có dấu hiệu vàng da.

Vàng da là một hiện tượng bình thường ở trẻ, thường xuất hiện sau sinh từ 2, 3 ngày. Dấu hiệu nhận biết là da vàng nhạt không kèm triệu chứng gì khác và sẽ biến mất sau đó 1 tuần ở trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần ở trẻ sinh thiếu tháng.

Nhưng bé con chị M.L mặc dù sinh đủ tháng chẳng những không hết mà vàng da có dấu hiệu nặng hơn (theo mô tả của chị). Nghi ngờ con bị vàng da bệnh lý, chị mang con đi khám bệnh và thử bilirubin (sắc tố được sản sinh trong quá trình cơ thể trẻ thải các huyết hồng cầu thừa ra ngoài) trong máu, thật may kết quả bé chỉ mắc vàng da sinh lý. Hỏi ra mới biết sau khi xuất viện về nhà chị M.L không cho bé ra khỏi phòng nửa bước vì sợ trẻ còn yếu, ra ngoài gió máy nên không phát hiện sớm tình trạng vàng da ở trẻ. Hơn nữa chị ít cho bé bú (vì bé không chịu bú) và không cho bé tắm nắng cũng khiến cho chứng vàng da ở trẻ kéo dài.

Bác sĩ cho về và dặn chị M.L cho bé bú mẹ thường xuyên, tắm nắng cho trẻ thường xuyên. Kết quả sau 1 tuần tắm nắng dấu hiệu vàng da ở bé giảm dần và sau đó mất hẳn.

Dưới đây là những lời khuyên của chị M.L về việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh sau khi nghe hướng dẫn từ bác sĩ:



Lợi ích của việc tắm nắng

Khi tắm nắng cơ thể trẻ sẽ tổng hợp được nguồn vitamin D tự nhiên (80% vitamin D được tổng hợp khi tắm nắng, 20% còn lại đến từ sữa mẹ) giúp hấp thu canxi hiệu quả cho xương chắc khỏe, tránh còi xương. Đồng thời, tắm nắng còn giúp diệt khuẩn, chống viêm và đặc biệt ngăn ngừa vàng da…

Lưu ý: Ánh nắng mặt trời là nguồn bổ sung vitamin D tự nhiên tốt nhất, do đó mẹ không nên bổ sung vitamin D cho trẻ qua đường uống có thể dẫn tới thừa, gây chán ăn, mệt mỏi, đáu nhức xương khớp, tổn thương thận… nặng nhất có thể tử vong.

Nên tắm nắng cho trẻ từ khi nào?

Khi bé được 1 tuần tuổi đã có thể bắt đầu tắm nắng cho trẻ.

Thời điểm thích hợp để tắm nắng cho bé

Mùa hè, buổi sáng nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh trong khoảng 7h - 9h, chiều từ 4h - 5h. Mùa đông, buổi sáng nên tắm nắng cho trẻ từ 8h - 9h, buổi chiều từ 3h - 5h, nhưng mùa đông tốt nhất nên tắm cho trẻ vào buổi chiều để tránh trẻ bị cảm lạnh.

Lưu ý: không nên cho trẻ tắm nắng hoặc bế trẻ ra ngoài trời từ giữa trưa cho đến 3h chiều bởi lúc này tia cực tím có trong ánh nắng rất nhiều có thể khiến da bé tổn thương.

Tắm nắng trong bao lâu?

Bé mới bắt đầu tắm nắng nên tắm chừng 10 phút rồi dừng. Sau đó tăng dần lên 15, 20 phút tùy vào tuần tuổi và thể trạng của bé. Tuy nhiên thời gian tắm tối đa không quá 30 phút. Mỗi đợt tắm 15 ngày. Sau đó cho trẻ nghỉ 10 - 20 ngày rồi có thể cho tắm lặp lại như trên.

Khi nào không nên tắm nắng cho trẻ?

Nếu thấy da bé chuyển sang màu đỏ, ra nhiều mồ hôi, mạch đập nhanh mẹ cần nhanh chóng đưa bé vào nhà, lấy khăn sạch lau khô người cho bé. Hiện tượng này có thể do bé bị cảm nắng.

Tuy vậy mẹ không được dừng tắm nắng cho trẻ mà hãy “tập” cho trẻ quen dần với ánh nắng bằng cách bế bé ra tắm nắng một chút rồi bế bé vào chỗ mát nghỉ, sau đó bế bé ra tắm nắng, rồi lại bế bé vào chỗ mát, cứ lặp như thế trong vòng 10 - 20 phút.

Hướng dẫn tắm nắng đúng cách

- Ngày đầu: Lúc bé mới bắt đầu tắm nắng mẹ có thể mặc nguyên quần áo cho bé. Mẹ nhẹ nhàng kéo áo bé lên cho ánh nắng chiếu trực tiếp vào lưng sau đó che phần lưng lại và phơi nắng phần bụng bé. Xong mẹ kéo áo bé lại, tiếp tục kéo quần phơi nắng chân rồi đưa bé vào nhà.

Những ngày đầu mẹ nên tắm cho bé trong khoảng 5 - 10 phút, tắm nắng mỗi bộ phận trên cơ thể trẻ trong vòng 1 phút là được.

- Ngày thứ 2, 3, 4: Lặp lại như ngày đầu

- Ngày thứ 5 đến ngày thứ 15: Khi bé đã quen dần với việc tắm nắng, mẹ cởi áo bé ra (nhớ mặc quần ngắn hoặc tã che vùng kín của bé lại nhé + che mắt bé lại, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt bé), tắm phía trước bụng 5 – 10 phút, phía sau lưng 5 – 10 phút sau đó tới các bộ phận khác như tay, chân bé. Khi tắm nắng cho trẻ mẹ nhớ di chuyển qua lại, ôm ấp nựng nịu bé tránh đứng yên một chỗ khiến bé khó chịu nhé!

Lưu ý: Sau khi tắm nắng xong mang bé vào nhà lau sạch mồ hôi và mặc quần áo ngay cho trẻ. Thời gian tắm tối đa không quá 30 phút.

Những lưu ý khi tắm nắng cho trẻ

- Không mặc nguyên quần áo khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh vì sẽ làm giảm hấp thu vitamin D;

- Không tắm nắng cho trẻ nơi có nhiều gió lùa;

- Không tắm nắng cho trẻ qua cửa kính vì sẽ làm giảm tác dụng rất nhiều so với tắm nắng trực tiếp ngoài trời;

- Tuyệt đối không để ánh nắng chiếu vào mặt, mắt trẻ, cơ quan sinh dục (bé trai) khi tắm nắng. Tốt nhất nên sử dụng dụng cụ che mắt trẻ và che “chú chim nhỏ” của bé lại;

- Những trẻ đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ bị bệnh nội tiết: basedow, trẻ bị eczema, herpes, đang dùng kháng sinh nhóm Quinolon thì nhất thiết không được cho trẻ tắm nắng;

- Sau khi tắm nắng cho trẻ vào nhà nên lau sạch mồ hôi cho trẻ và mặc quần áo khô thoáng;

- Mùa lạnh buổi sáng nên tắm nắng cho bé trễ một chút, buổi chiều nên tắm sớm một chút.

0 Comment "Mẹ có con bị vàng da chia sẻ kinh nghiệm tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách tránh hiện tượng này"

Post a Comment