Vặn mình là bé bị làm sao vậy bác sĩ?

Sự cựa quậy, vặn mình liên tục có là dấu hiệu bất thường của bệnh lý nào không?



Lo lắng

Chị Phạm Thị Ng (Hà Đông, Hà Nội) đến với chúng tôi trong tình trạng lo lắng. Chị mới 26 tuổi và mới làm mẹ lần đầu. Anh chị sinh được một cháu trai khỏe mạnh, khá khôi ngô, tuấn tú. Cháu bé mới được 28 ngày tuổi. Mọi thứ đều hoàn hảo, mẹ tròn, con vuông, cháu bé hay ăn, hay ăn ngủ, ngoan ngoãn và ít khi quấy ông bà bố mẹ, ông bà thì hài lòng, còn anh chồng thì chăm và thương yêu hết mực. Duy nhất chỉ có một điều xảy ra làm chị trăn trở.

Vốn là người bế con nhiều và chăm con liên tục, chị thấy có một hiện tượng mà chị không biết con chị bị làm sao. Ngay từ khi sinh ra được vài ngày, chị nhận thấy con trai chị rất hay rướn mình, hay vặn mình liên tục. Lúc thì từ trái sang phải, lúc thì từ phải sang trái, người uốn éo cong như con tôm. Nhất là khi cháu ị, cháu tè, cháu bú, hoặc cháu đang ngủ mà bị đánh thức là cháu lại vặn mình như một cái lò xo. Nhiều lúc thấy cháu đỏ ửng cả mặt lên vì động tác này. Chị thấy lẽ ra cháu phải ngủ nhiều, ăn nhiều và cựa quậy chân tay là chính nhưng cháu nhỏ nhà chị rất hay vặn mình, kể cả khi bọc trong khăn bông, chị vẫn cảm nhận thấy.

Quá bất an, không biết con trai bị làm sao, chị mang cháu đến chỗ chúng tôi khám và điều trị. Chúng tôi nhận thấy, cháu nhỏ rất bình thường, khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì chứng tỏ cháu đang bị bệnh lý. Vậy vặn mình là dấu hiệu chứng tỏ điều gì?

Chứng tỏ sự phát triển

Đứa trẻ từ khi sinh ra cho tới khi lớn lên, chúng có hai quá trình diễn ra đồng thời, sinh trưởng và phát triển. Sinh trưởng là sự lớn lên về thể xác, ví dụ như lớn lên về kích thước cơ thể, chiều cao, cân nặng. Phát triển là sự thay đổi về tâm thần kinh và tố chất bên trong, sự thay đổi nội tiết, sự thay đổi giai đoạn dậy thì và sinh sản...

Trong những năm tháng đầu đời, đứa trẻ có sự sinh trưởng và phát triển rất mạnh để tự khả năng có thể tồn tại độc lập bên ngoài môi trường. Sự phát triển ấy mạnh cả về vận động và tinh thần.

Cố nhiên đứa trẻ không thể lon ton chạy đi giống như những cháu bé tập chạy khác. Những cháu nhỏ mới sơ sinh hoặc đang ẵm ngữa chỉ có hình thức vận động hạn chế đó là vặn mình, co chân, co tay, quẫy đạp lung tung. Các hình thức vận động này nhằm làm phát triển cơ ở chân, ở tay và ở thân mình. Cháu ngủ thì thôi, chứ tỉnh dậy là vận động. Do đó, các bà mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy con mình sao hay vặn mình. Cháu cứ mở mắt lại vặn mình. Bạn bế cho cháu bú, cháu cũng vặn mình. Bạn bế cho cháu tắm, cháu cũng vặn mình. Bạn bế cháu chơi, cháu cũng vặn mình. Mà đã vặn là cong hẳn người lên, đỏ cả mặt, đỏ cả tai. Đó cũng không là dấu hiệu bệnh lý đặc hiệu nào.

Trừ khi sự vặn mình có kèm theo các dấu hiệu khác. Chẳng hạn như cháu hay khóc hơn, cháu hay tỉnh hơn, cháu ngủ không say, cháu hay bực mình, cựa quậy vô thức. Thì lúc đó có thể đó là do bạn đã ủ cháu quá nóng, phần da lưng và mông có thể có vấn đề ví dụ hăm kẽ (một dạng nhiễm khuẩn ngoài da) thì sự vặn mình luôn đi kèm theo các dấu hiệu bệnh lý khác nữa. Lúc đó, bạn chỉ cần tự mình kiểm tra các dấu hiệu bất thường trên da của cháu là có thể yên tâm được rồi.

Đứa trẻ nào vặn mình càng nhiều thì chứng tỏ sự phát triển vận động càng tốt. Cháu bé sẽ sớm cứng cáp, sớm có khả năng biết đi, sớm có thể chạy nhảy tung tăng theo bố mẹ. Ngược lại, đứa trẻ nào càng ít vặn mình thì tốc độ sự phát triển vận động sẽ chậm hơn. Những cháu bé này sẽ chậm phát triển vận động hơn các cháu nhỏ cùng tuổi, chậm biết lẫy, biết bò và biết đi.
BS. Yên Lâm Phúc

0 Comment "Vặn mình là bé bị làm sao vậy bác sĩ?"

Post a Comment