Ngăn ngừa hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh

Đứa bé chưa được 1 tuổi đã ngừng sự sống. Các bà mẹ có thể giảm thiểu rủi ro này bằng các biện pháp phòng ngừa ngay hôm nay.



Hội chứng chết trẻ non đột ngột là gì?

Hội chứng chết trẻ non đột ngột là một hội chứng được đặc trưng bởi tình trạng chấm dứt sự sống của một đứa trẻ trong giai đoạn đầu của cuộc đời mà không có dấu hiệu bệnh lý báo trước.

Điều rất day dứt là sự ra đi của đứa trẻ rất tự nhiên, không hề có dấu hiệu đe dọa. Vừa ngày hôm trước, cháu bé còn chơi đùa với bố mẹ, vẫn bú no và ngủ ngoan, thậm chí ngay buổi tối vẫn còn đòi tập đi, tập lẫy thì ngày hôm sau, đứa trẻ đã ngừng tim ngừng thở ở trên giường. Đây là một vấn đề rất đau lòng với các ông bố bà mẹ trẻ và với chính bản thân các cháu.

Qua theo dõi, người ta thấy hội chứng chết trẻ non đột ngột thường xảy ra với đứa trẻ từ giai đoạn 1 ngày tuổi cho đến 1 năm tuổi. Độ tuổi hay xảy ra nhất là 2-4 tháng tuổi. Thời điểm hay xảy ra nhất là 21h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau. Chính vì sự ra đi rất đột ngột của các cháu mà người ta gọi hội chứng này là hội chứng chết trẻ non đột ngột. Điều cần hết sức chú ý, chết trẻ non đột ngột không dành riêng cho một ai, một cháu bé nào, một gia đình nào, mà nó có nguy cơ xảy ra với bất kỳ đối tượng trẻ em. Nguy cơ không phụ thuộc vào đứa trẻ ăn nhiều hay ăn ít, khỏe hay yếu, ốm vặt hay không ốm vặt mà xảy ra ở mọi tình trạng sức khỏe.

Cho đến nay y học không thể tìm ra nguyên nhân hợp lý để lý giải tình trạng này. Người ta đã theo dõi các trường hợp chết đột ngột xảy ra, thậm chí làm giải phẫu bệnh pháp y nhưng cũng không tìm thấy dấu hiệu tổn thương khả nghi ngoài 2 dấu hiệu duy nhất: ngừng tim-ngừng phổi. Nhưng vấn đề các ông bố bà mẹ mong đợi đó là tại sao đứa trẻ lại ngừng tim-ngừng phổi? Nó nằm ở các nguy cơ sau

Nguy cơ và đối phó

1. Tuổi của bố mẹ. Tuổi của bố mẹ càng cao thì nguy cơ càng lớn. Người ta cho rằng có thể do tuổi của bố mẹ cao (trên 40 tuổi, đặc biệt là người mẹ) thì nguy cơ sai sót di truyền rất lớn. Đứa trẻ có thể mắc phải một khuyết tật nào đó trong cơ chế điều khiển sự sống mà khiến cho khi nồng độ oxy trong máu quá thấp do ngừng phổi thì đứa bé không có một cơ chế báo hiệu thích đáng nào để chống đỡ lại tình trạng này.

Đối phó: hãy cố gắng thu xếp công việc gia đình, sinh con trước 35 tuổi.

2. Trẻ sinh non hoặc quá nhẹ cân. Những đứa trẻ sinh non trước 8 tháng thai kỳ hoặc quá nhẹ cân (2kg) đều cần sự theo dõi đặc biệt. Bởi sức khỏe thể lực của các cháu rất yếu ớt. Yếu đến mức, ngoài tần suất ốm yếu liên tục ở tuổi trưởng thành, các cháu còn không đủ sức khỏe để phản kháng lại những dấu hiệu hoặc rối loạn bất thường xảy ra. Cứ thế, các cháu đi dần, lịm dần mà bố mẹ cùng phòng cũng không hay.

Đối phó: Khi có dấu hiệu đe dọa sinh non cần đi khám bác sỹ ngay để có biện pháp can thiệp kịp thời. Nếu cháu nhẹ cân hoặc sinh quá thiếu tháng, cần được theo dõi đặc biệt trong 6 tháng đầu. Phòng ngủ của cháu phải ấm cúng nhưng thông thoáng để đảm bảo oxy luôn đủ cho hô hấp.

3. Dị tật bẩm sinh trong não bộ. Mặc dù không tìm thấy nguyên nhân bệnh lý, nhưng những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh ở não bộ có nguy cao bị mắc vào hội chứng chết trẻ non đột ngột. Bởi những dị tật này làm rối loạn sự hoạt động của trung tâm điều khiển nhịp tim và nhịp thở trong não bộ.

Đối phó: hãy khám sàng lọc thai kỳ để loại bỏ những dị tật thần kinh nếu có.

4. Quá suy dinh dưỡng tiền thai kỳ. Sự thiếu hụt dinh dưỡng tiền thai kỳ khiến cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi giảm sút. Đồng thời làm rối loạn cấu trúc thai kỳ dẫn tới các dị tật bẩm sinh.

Đối phó: cung cấp đủ dinh dưỡng cho bà mẹ trước và trong giai đoạn mang thai. Tâm điểm dinh dưỡng là chất đạm, sắt, can xi, vitamin B12 và axit folic.

5. Nhiễm các bức xạ điện từ hoặc các chất độc hại trong mang thai. Các bức xạ điện tự như bức xạ từ đường dây điện cao thế, bức xạ từ trạm biến thế mà không đủ khoảng cách an toàn, bức xạ từ tia chụp X-quang trong thăm khám sức khỏe. Các chất độc hại như thuốc chống chỉ định trong mang thai, rượu, bia, các dung dịch nhuộm tóc, nhuộm móng, tẩy trắng, các dung dịch hóa chất trong ngành công nghiệp dệt may, sơn, gốm. Những tia bức xạ và hóa chất độc hại gây ra đột biến trong thai kỳ và dẫn tới những dị tật không mong muốn. Các dị tật này có thể làm rối loạn trung tâm điều hòa tim phổi và gây ra hội chứng không may trên.

Đối phó: đảm bảo an toàn thai kỳ và khám sàng lọc định kỳ để loại bỏ thai không an toàn.

6. Hút thuốc. Khói thuốc của bố nhả ra, con hút thụ động. Một số cháu phản ứng kém với tình trạng nhiễm độc khói thuốc và thiếu oxy do khói thuốc chiếm chỗ, đã bị ngộ độc khói thuốc và lịm dần trong lúc ngủ.

Đối phó: cần loại bỏ khói thuốc trong nhà, đặc biệt là trong phòng cháu nhỏ. Dù phòng đó có bật điều hòa, hút mùi hay phương tiện hỗ trợ gì đi nữa.

7. Ngủ sấp: ngủ sấp là nằm ngủ mà người ốp lên bụng. Tư thế ngủ này dễ gây nôn trớ và gây chẹt đường thở trong lúc ngủ. Các cháu ngủ say hoặc phản ứng kém với rối loạn hô hấp sẽ bị ngừng thở khi ngủ và kết quả là ra đi đột ngột.

Đối phó: Hãy chuyển cháu bé sang tư thế nằm ngửa càng sớm càng tốt.

9. Nhiễm trùng hô hấp. Bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng hô hấp nào đều gây ra rối loạn: trao đổi khí tại phổi, lấy khí kém qua đường thở. Vì thế, cháu nhỏ dễ bị thiếu hụt oxy nghiêm trọng.

Đối phó: điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp cho các cháu. Không tự mua thuốc và tự điều trị theo cảm tính.

10. Nhiệt độ phòng quá lạnh. Một số gia đình thích nằm ngủ bật điều hòa ở chế độ 18-200C. Đây là một nhiệt độ quá lạnh với các cháu. Nhiệt độ lạnh dễ làm ức chế trung tâm hô hấp, làm giảm khả năng phản ứng với rối loạn bệnh lý.

Đối phó: Bố mẹ cần nâng nhiệt độ lên khi ngủ. Nhiệt độ thích hợp với các cháu là 27-280C. Nóng quá các cháu ngủ không ngon nhưng lạnh quá sẽ gây biến cố. Nếu không chịu được, bố mẹ cần cho cháu nằm ngủ phòng riêng, tách điều hòa lạnh tới mức không tưởng.

BS. Yên Lâm Phúc

0 Comment "Ngăn ngừa hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh"

Post a Comment